Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phòng Quy hoạch - Kiến Trúc và Phát triển đô thị
Giới thiệu chức năng, nhiệm vụ và thông tin liên hệ

Phòng Quy hoạch - Kiến Trúc và Phát triển đô thị

SĐT: 0212.3853.343


Trưởng phòng: Đ/c Phạm Tài Anh

Email: anhpt.sxd@sonla.gov.vn


Phó Trưởng phòng: Đ/c Hồ Lý Đức

Email: duchl.sxd@sonla.gov.vn

 

Phó Trưởng phòng: Đ/c Nguyễn Thanh Liêm

Email: liemnt.sxd@sonla.gov.vn

 Phòng Quy hoạch - Kiến Trúc và Phát triển đô thị tham mưu cho Ban Giám đốc Sở thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Chức năng: Phòng Quy hoạch, Kiến trúc và Phát triển đô thị là tổ chức thuộc Sở Xây dựng, có chức năng giúp Giám đốc Sở tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về: quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh (gồm: Quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng các khu chức năng; thiết kế đô thị, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị); Nhà ở và Công sở; Phát triển đô thị; Thị trường bất động sản.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Tham mưu cho Ban Giám đốc sở thực hiện các nhiệm vụ sau:

2.1. Về quy hoạch xây dựng (bao gồm quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn):

a) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;

b) Tổ chức lập, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng trên địa bàn theo quy định;

d) Hướng dẫn, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trên địa bàn theo phân cấp, bao gồm; Tổ chức công bố, công khai các quy hoạch xây dựng; quản lý hồ sơ các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; giới thiệu địa điểm xây dựng và hướng tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật; cung cấp thông tin về quy hoạch;

e) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh; thực hiện nhiệm vụ của Thư ký Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng cấp tỉnh.

2.2. Về kiến trúc

a) Thực hiện và phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám sát chất lượng kiến trúc trong dự án đầu tư xây dựng;

b) Tổ chức lập quy chế quản lý kiến trúc theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hướng dẫn và kiểm tra với Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc lập, thẩm định quy chế quản lý kiến trúc đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt và ban hành của Ủy ban nhân dân cấp huyện; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; tổ chức rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy chế quản lý kiến trúc định kỳ 05 năm hoặc đột xuất để xem xét, điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc;

c) Lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề kiến trúc; công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc đối với người nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề kiến trúc đang có hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật, đăng tải và cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc có trụ sở chính trên địa bàn.

2.3. Về phát triển đô thị

a) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập các loại chương trình phát triển đô thị hoặc thẩm định các chương trình phát triển đô thị theo thẩm quyền; xác định các khu vực phát triển đô thị và kế hoạch thực hiện; xác định các chỉ tiêu về lĩnh vực phát triển đô thị trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển các đô thị đồng bộ, các khu đô thị mới, các chính sách, giải pháp quản lý quá trình phát triển đô thị, các mô hình quản lý đô thị, khuyến khích phát triển các dịch vụ công trong lĩnh vực phát triển đô thị; tổ chức thực hiện sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, ban hành;

c) Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bao gồm: chương trình nâng cấp đô thị, chương trình phát triển đô thị, đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng phát triển đô thị thông minh, dự án cải thiện môi trường đô thị, nâng cao năng lực quản lý đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị và các chương trình, dự án khác có liên quan đến phát triển đô thị;

d) Tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại đô thị hàng năm, đề xuất việc tổ chức hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị đối với các đô thị đã được công nhận loại đô thị; hướng dẫn, kiểm tra các đề án công nhận loại đô thị trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình cấp có thẩm quyền công nhận loại đô thị; tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án đề nghị công nhận đô thị loại V;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, khai thác sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt; tổ chức thực hiện quản lý đầu tư phát triển đô thị theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư phát triển đô thị, pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

e) Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển đô thị; tổ chức vận động, khai thác, điều phối các nguồn lực trong và ngoài nước cho việc đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; khai thác sử dụng và tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện bàn giao quản lý trong khu đô thị hoặc tổ chức thực hiện khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền;

g) Theo dõi, tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh; tổ chức xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về tình hình phát triển đô thị trên địa bàn.

2.4. Về nhà ở

a) Nghiên cứu xây dựng để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành và điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh, bao gồm: chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân và các chương trình mục tiêu của tỉnh về hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng xã hội gặp khó khăn về nhà ở; tổ chức triển khai thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

Cho ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận hoặc quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật nhà ở; thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị và nhà ở xã hội để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền;

Xây dựng các cơ chế, chính sách về phát triển và quản lý nhà ở phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành theo thẩm quyền; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành;

c) Thẩm định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; xây dựng khung giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, giá dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị của tỉnh; tham mưu trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thu hồi quỹ đất thuộc các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới đã giao cho các chủ đầu tư, nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã được phê duyệt, quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới nhưng chưa sử dụng để giao cho các chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;

đ) Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển quỹ nhà ở công vụ do tỉnh quản lý (bao gồm nhu cầu đất đai và vốn đầu tư xây dựng) theo quy định về tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ ban hành;

e) Xây dựng, ban hành khung giá cho thuê nhà ở công vụ; khung giá cho thuê, thuê mua và giá bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về tiếp nhận quỹ nhà ở tự quản của Trung ương và của tỉnh để thống nhất quản lý, thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê theo quy định của pháp luật;

g) Tham gia định giá các loại nhà trên địa bàn theo khung giá, nguyên tắc và phương pháp định giá các loại nhà của Nhà nước;

h) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội; hướng dẫn thực hiện việc phân loại, thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, quy chế quản lý, sử dụng, chế độ bảo hành, bảo trì nhà ở, nhà ở xã hội trên địa bàn;

i) Tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển và quản lý nhà ở; thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;

k) Tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện phát triển nhà ở, nhà ở xã hội trên địa bàn theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Chính phủ;

l) Tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá định kỳ về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn; tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.

2.5. Về công sở

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn xây dựng công sở, trụ sở làm việc; hướng dẫn thực hiện việc phân loại, thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, quy chế quản lý, sử dụng, chế độ bảo hành, bảo trì công sở, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn;

b) Phối hợp với Sở Tài chính thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng, mua bán, cho thuê, thuê mua đối với công sở, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá định kỳ về công sở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn; tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về công sở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.

2.6. Về thị trường bất động sản

a) Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phát triển và quản lý thị trường bất động sản; các giải pháp nhằm minh bạch hóa hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tổ chức thực hiện sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, ban hành;

b) Thực hiện các chính sách, giải pháp điều tiết và bình ổn thị trường bất động sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực của chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản khác trên địa bàn; hướng dẫn các quy định về bất động sản được đưa vào kinh doanh;

d) Tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển nhượng dự án theo thẩm quyền; hướng dẫn kiểm tra các quy định của pháp luật trong hoạt động mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng trên địa bàn;

đ) Kiểm tra hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản; thực hiện việc cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trên địa bàn;

e) Theo dõi, tổng hợp tình hình, tổ chức xây dựng hệ thống thông tin về thị trường bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản trên địa bàn; định kỳ báo cáo hoặc theo yêu cầu đột xuất để Bộ Xây dựng báo cáo theo quy định.

image banner